Sức mạnh thương hiệu của gã khổng lồ phần mềm đã suy giảm đáng kể trong vòng 4 năm trở lại đây - một dấu hiệu cho thấy hãng không còn được lòng, cũng như sự tin cậy từ khối khách hàng doanh nghiệp.Theo bản báo cáo Power 100 - 2007 của hãng nghiên cứu CoreBrand, Microsoft đã tụt hạng... hàng chục bậc, từ số 12 trong danh sách "Những thương hiệu hùng mạnh nhất nước Mỹ" năm 2004 xuống vị trí hết sức khiêm tốn 59 hồi năm ngoái.
Trước đó, vào năm 1996, Microsoft từng là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mạnh nhất trong số 1200 công ty đầu bảng của Mỹ (phân bố đều ở 50 ngành công nghiệp và kinh doanh khác nhau).
Theo lời ông James Gregory, Giám đốc điều hành CoreBrand, việc "đo lường" sức mạnh thương hiệu của một công ty căn cứ trên 4 tiêu chí: đầu tiên là mức độ quen thuộc và phổ biến của thương hiệu, sau đó là danh tiếng chung, tầm vóc quản lý và cuối cùng là tiềm năng đầu tư.
Mặc dù thương hiệu của Microsoft vẫn rất quen thuộc với số đông công chúng, song ở cả 3 tiêu chí còn lại, hãng đều tuột dốc và mất điểm trong thời gian gần đây.
"Vấn đề đáng lo nhất trong trường hợp của Microsoft là tốc độ suy giảm uy tín quá nhanh", ông Gregory bình luận.
Nếu xét riêng phân khúc hẹp là Máy tính, Phụ kiện và Phần mềm thì Microsoft hiện đang xếp thứ hai, chỉ sau IBM về sức mạnh thương hiệu.
Toshiba đang bám khá sát Microsoft ở vị trí thứ 3, và nếu như đà trượt dốc của Microsoft còn tiếp diễn, Toshiba hoàn toàn có thể qua mặt Microsoft ngay trong năm 2008.
"Rối loạn"Theo suy đoán của Gregory, lý do khiến cho danh tiếng của Microsoft bị suy giảm trong vài năm trở lại đây có thể là phản ứng nhạt nhẽo của người dùng dành cho hệ điều hành Windows Vista.
Bên cạnh đó, chiến dịch quảng cáo hết sức thông minh "Tôi là Mac, Tôi là một PC" của Apple càng khiến cho sắc màu Windows trở nên xanh xao.
Đầu những năm 90, gã khổng lồ IBM cũng đã từng bị suy giảm sức mạnh thương hiệu với tốc độ "còn nhanh và trầm trọng hơn nhiều" so với Microsoft, CoreBrand cho biết. Hãng này đã phải mất 10 năm để gây dựng và khôi phục lại uy danh cho thương hiệu.
Muốn lặp lại lịch sử của IBM, Microsoft cần định hướng rõ những chiến lược và ưu tiên trọng điểm trong tương lai, đồng thời tìm được êkip lãnh đạo đủ tầm để hiện thực hóa những viễn cảnh đó.
Hiện tại, Microsoft đang kinh doanh quá nhiều lĩnh vực: phần mềm, giải trí, máy chơi game, nội dung trực tuyến. Kế hoạch kinh doanh của hãng có phần "rối loạn" và khiến cho giới đầu tư lo lắng.
Tuy nhiên, nếu Microsoft có thể thâu tóm thành công Yahoo, uy tín thương hiệu của gã khổng lồ phần mềm sẽ được cải thiện đáng kể, ông Gregory dự đoán.