[img]
Pha đi bóng của Thế Anh “ba đẻn” trong trận Thể Công gặp Bưu Điện thập kỷ 70 [/img]
“Con sóc nhỏ” Ba Đẻn tên thật là Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1949; là con thứ ba của cựu danh thủ Thìn A, nổi tiếng thời Nội Châu, tuyển Bắc Kỳ rồi CAHN và tuyển Việt Nam DCCH khi đã tứ tuần; là anh của Cao Cường (Thể Công), Cao Vinh (ĐSVN) và Cao Hiển.
Khi còn nhỏ ông tên là Công, nhưng chẳng may người anh cả (Hùng) mất sớm nên bố mẹ đổi là Thế Anh (hàm ý thay thế người anh). Biệt hiệu “Ba Đẻn” là do da đen, mẹ thường gọi thân mật là thằng “đen”, bạn bè gọi chệch đi cho có vẻ bụi một chút thành Ba Đẻn, lâu dần thành quen. Còn “Con sóc nhỏ châu Á” là các bạn Cu Ba tặng cho Ba Đẻn, sau khi ông trình diễn những cú “giật tốc độ” vặn sườn những hậu vệ to cao của đội tuyển bạn để đối mặt rồi hạ thủ môn nổi tiếng Renoxo trong trận đấu tại thủ đô La Habana năm 1971.
Tầm vóc bé nhỏ, thân hình loắt choắt, cặp chân vòng kiềng, 16 tuổi nhưng Ba Đẻn chỉ cao 1m58, nặng 45kg (lúc phát triển nhất cũng chỉ cao 1m65, nặng 53kg), trông có vẻ dị dạng nên lãnh đội Thiếu niên HN không muốn nhận. Tuy nhiên, Ba Đẻn đã lọt vào mắt các nhà tuyển chọn Thể Công vào đầu năm 1966 cùng lớp với Giáp, Phú, Chi (cố)… Sau 4 năm rèn luyện (có 1 năm ở Triều Tiên và 4 tháng ở Hungary), Ba Đẻn trở thành một góc trái đặc biệt, khó tìm người so sánh.
Sự sắc sảo của Ba Đẻn thật đa dạng:
- Thứ nhất là tốc độ: 30m: 3’’8/10; 100m: 11’’2/10. Nhưng sức nhanh đoạn ngắn còn được tôn lên thành đột biến nhờ “cách khắc phục quán tính”, nghĩa là đang chạy tốc lực, ông phanh lại rất gọn, và đối phương vừa dừng lại thì ông lại bật vọt đi mất. Cứ thế lặp đi, lặp lại, hết ngoặt sang trái, lại đảo sang phải, hậu vệ càng to cao, xoay trở theo càng mệt, rất dễ bị ông bỏ lại sau. Đúng là nhanh như sóc!
- Thứ hai, bé người nhưng không ngại về sức mạnh. Rắn chắc, dám va chạm khi cần (dĩ nhiên bé thì không dại va chạm với các “chàng khổng lồ”). Sức bền vào loại siêu: chạy 3.000m luôn dưới 10 phút; 5 lần 30m hết 19’’5. Nền thể lực này đủ chơi với bất cứ đối tượng nào.
- Thưa ba, sự khôn ngoan sân cỏ: Nhiệt tình, xông xáo, năng động, di chuyển nhiều, nhưng mỗi hành động đều mang ý thức lôi kéo, gây lạc hướng đối thủ bằng nhiều động tác giả khôn khéo. Không ít lần ông phải tránh đòn của những đối thủ vũ phu với cái đầu nóng bất chấp luật lệ, nhưng chưa ai có thể đá ông đau, dù chỉ một lần mà chỉ thấy nhiều lần ông cho các đối thủ thiếu kinh nghiệm vào xiếc!
- Thứ tư, ghi bàn nhiều và đa dạng. Hai chân tương đối đều nhau, đang chạy nhanh, sút! Có bàn thắng ở góc không rộng lắm và xa đến 30m, nhưng lại có bàn thắng mặt đối mặt rồi đánh lừa thủ môn, sửa nhẹ vào góc cầu môn. Ba Đẻn đã từng đá phạt góc bóng đi thẳng vào cầu môn (trận gặp đội Không quân CHDCND Triều Tiên); hay đá phạt trực tiếp từ khoảng 25m, bóng đi vượt hàng rào, qua tay thủ môn Trần Văn Thành; đá phạt đền theo kiểu “quẹt chân vịt” (làm thủ môn Trường Sinh bị lừa, chỉ đứng nhìn bóng lăn từ từ vào lưới). Tuy nhiên, Ba Đẻn khoái nhất là ghi bàn bằng những “cú chẹt” trong tư thế khó. Giữa chỗ đông người, có cả rừng chân cản trở, nhờ sức bật nhẹ nhàng và cách búng chân khéo léo, quả bóng như có mắt, biết lách qua khe hở nhỏ nhất mà bay vào lưới (hậu vệ Vathana của Lào có lần chịu thua kiểu ấy đã chạy đến bắt tay khen); hoặc có khi ông bay cả người ở tầm thấp là là mặt đất, dùng đầu hất bóng vào lưới. Trông có vẻ nguy hiểm, nhưng do quá nhanh và bất ngờ nên khi đối phương phản ứng thì việc đã rồi (trận gặp CSKA Liên Xô).
Trong màu áo Thể Công, ở những giây cuối cùng của trận đấu từ giữa cuộc đời cầu thủ (trận gặp đội Quân đội CHDC Đức trong giải SKDA, 1984), Ba Đẻn dắt bóng đến cách khung thành đối phương 20m, chếch khoảng 45 độ, vẩy má ngoài một quả vòng cung sở trường khá mạnh và chuẩn xác, bóng bay vào góc cao phía sau thủ môn, nâng tỷ số lên 3/1 cho đội nhà, cùng lúc trọng tài thổi còi mãn cuộc. Một bàn thắng đẹp để kết thúc một quãng đời 20 năm sân cỏ thật đẹp của danh thủ Ba Đẻn.
Sau khi ông nghỉ đá, nhiều khán giả quý ông mỗi lần xem thấy những pha bóng đang diễn biến tốt bị bỏ phí thường tặc lưỡi: “Giá mà vào chân Ba Đẻn nhỉ!” Còn gì sung sướng hơn đối với một cầu thủ khi để lại được trong lòng công chúng sự tin yêu như vậy!